Bảo hiểm tài sản là loại hình bảo hiểm phổ biến trên thị trường hiện nay, với nhiều hình thức thể hiện khác nhau.
Trong bài viết bên dưới, hãy cùng tìm hiểu về những điểm chính như khái niệm, đối tượng của bảo hiểm tài sản là gì và cách thức bồi thường như thế nào.
1. Bảo hiểm tài sản
Đây là một hình thức được ký kết giữa hai bên mua và bán bảo hiểm nhằm đảm bảo tài sản trước những tai nạn bất ngờ. Tài sản được bảo vệ sẽ bao gồm tài sản có thực, tài sản có giá trị vật chất được quy đổi thành tiền và các quyền về kiểm soát tài sản đó, cụ thể như:
- Nhà cửa
- Máy móc
- Hàng hóa như gia súc, gia cầm hoặc mùa màng,…
- Phương tiện vận tải
- Tiền và các giấy tờ trị giá được bằng tiền
2. Các loại bảo hiểm tài sản phổ biến hiện nay
Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Đây là loại hình bảo hiểm cho các rủi ro cháy, nổ mà nhiều doanh nghiệp bắt buộc mua theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018, cho các tài sản sau:
- Nhà cửa
- Công trình kiến trúc
- Máy móc và các trang thiết bị
- Hàng hóa, vật tư và một số tài sản khác
Bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt
Đây là loại hình bảo vệ tài sản trước những thiệt hại vật chất ngẫu nhiên, bất ngờ, không lường trước được như:
- Hoả hoạn và sét đánh gây nổ
- Nổ
- Máy bay và các phương tiện hàng không khác hoặc các thiết bị trên phương tiện đó rơi trúng
- Gây rối, đình công, bế xưởng
- Thiệt hại do hành động ác ý
- Động đất hay núi lửa phun
- Giông và bão
- Giông, bão, lụt
- Tràn nước từ các bể và thiết bị chứa nước hay đường ống dẫn nước
- Đâm va do xe cộ và súc vật
Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản
Đây là sự bảo vệ dành cho mọi tài sản vật chất hữu hình có khả năng bị tổn thất, thiệt hại, hủy hoại và có thể tính được bằng tiền gồm:
- Bất động sản (không bao gồm đất) và tất cả động sản gắn với chúng
- Các loại máy móc, thiết bị
- Hàng hóa gồm thành phẩm, bán thành phẩm, nguyên nhiên vật liệu, sản phẩm dở dang, sổ sách kế toán, bản vẽ, mô hình
- Các tài sản khác không bị loại trừ trong phần “Các tài sản bị loại trừ”
- Hợp đồng cũng có thể được mở rộng cho các tài sản như tiền, vật quý hiếm, sách quý hoặc các tác phẩm nghệ thuật.
Bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư
Một hình thức giữ gìn và bảo vệ dành cho tổ ấm thân yêu của người mua và gia đình. Những thiệt hại vật chất do cháy nổ sẽ được đền bù. Đối tượng sở hữu gói bảo hiểm này thường phải thỏa các điều kiện:
- Nhà nhiều tầng, các công ty thường quy định từ 4 đến 5 tầng
- Thời gian từ khi hoàn công và đưa vào sử dụng cho đến khi bắt đầu hiệu lực bảo hiểm không quá 20 – 25 năm.
- Một số bên còn yêu cầu đối với nhà biệt thự là phải đảm bảo được đường tiếp cận cho các phương tiện cứu hộ trong trường hợp xảy ra sự cố.
Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh
Loại hình bảo vệ trước những mất mát do sự gián đoạn kinh doanh vì một số rủi ro nhất định. Những mất mát này có thể gồm giảm sút lợi nhuận gộp do giảm doanh thu, thiệt hại vật chất, gia tăng về chi phí kinh doanh. Phạm vi bảo vệ của gói bảo hiểm này sẽ gồm:
- Bồi thường lợi nhuận và một số chi phí cố định (nếu có) mà người được bảo hiểm phải trả trong khi ngừng kinh doanh vì các thiệt hại bất ngờ xảy ra với tài sản được thỏa thuận trong hợp đồng.
- Chi trả thêm các chi phí khác để giảm thiểu tổn thất do hậu quả của việc kinh doanh bị ảnh hưởng như phí tạm thuê nhà xưởng hoặc máy móc, chi phí tăng ca, cước phí vận chuyển khẩn cấp,…
- Các chi phí không trực tiếp giảm thiểu tổn thất của việc gián đoạn kinh doanh chỉ được bồi thường nếu có thỏa thuận riêng
3. Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm tài sản là gì?
Nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản
Theo Điều 46 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010 có quy định cụ thể:
- Số tiền bồi thường bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Chi phí để xác định giá thị trường và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.
- Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
- Ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
Hình thức bồi thường
Bên mua và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận một trong các hình thức bồi thường sau đây:
- Sửa chữa tài sản bị thiệt hại
- Thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác
- Trả tiền bồi thường
4. Bảo hiểm tài sản dành cho ai?
Đây là loại hình bảo hiểm dành cho bất kỳ ai sở hữu các loại tài sản có nguy cơ gặp rủi ro cao và cần được đảm bảo khôi phục sau tổn thất. Thông thường, người mua là chủ sở hữu tài sản hoặc sử dụng tài sản như chủ xí nghiệp, chủ nhà máy, chủ kho hàng hoặc chủ nhà, đặc biệt là những nhà chung cư hay biệt thự.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp thông tin bổ ích giúp bạn hiểu hơn về quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản.
Nguồn PacificCross