“Đau đầu” với bảo hiểm nhân thọ

Từ những lùm xùm thời gian qua, việc chấn chỉnh thị trường bảo hiểm nhân thọ và khôi phục lại niềm tin của khách hàng giờ đây đã trở thành khó khăn không nhỏ đối với các cơ quan quản lý.

Theo bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), ngành bảo hiểm đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ gặp không ít những lùm xùm liên quan đến hoạt động tư vấn, chất lượng chăm sóc, gây ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng. Thị trường bảo hiểm đã phát sinh những vấn đề nhất định, chất lượng phát triển còn có những tồn tại, hạn chế chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tính đến đầu tháng 5/2023, có 192 kiến nghị của người dân qua điện thoại và 299 kiến nghị qua email, đường dây nóng của cơ quan này liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Bộ Tài chính đã phân loại xử lý 350 đơn tố cáo liên quan đến bảo hiểm liên kết với ngân hàng.

Hay đáng chủ ý có thể kể đến ngay từ tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết đơn vị này đã nhận các đơn thư của các cá nhân và tập thể phản ánh một số nội dung liên quan đến Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) trong việc liên kết bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư “Tâm an đầu tư”.

Các phản ánh xoay quanh việc tư vấn sản phẩm bảo hiểm không rõ ràng khiến người mua nhầm tưởng đây là một sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng; tự ý khai khống thông tin khách hàng…

Thị trường bảo hiểm cần được chấn chỉnh

Lý giải về những hạn chế phát sinh thời gian vừa qua, có 3 nguyên nhân chủ yếu liên quan đến hợp đồng bảo hiểm và chất lượng tư vấn

Cụ thể, bà Phương lý giải hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng tài chính dài hạn, tương đối đặc thù, tính chuyên môn cao. Để bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm trong việc tiếp cận thông tin đúng về sản phẩm bảo hiểm, trước khi giao kết hợp đồng, pháp luật có nhiều quy định.

Ngoài ra, pháp luật có quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm cũng như là nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm trong việc cung cấp thông tin, giải thích đầy đủ, rõ ràng điều khoản của sản phẩm bảo hiểm đến khách hàng.

Đáng chú ý, bà Phương nhận định nguyên nhân chính dẫn đến bức xúc mà dư luận phản ánh trong thời gian qua là việc vẫn còn có một số đại lý chất lượng hoạt động chưa cao, tư vấn chưa đầy đủ, khách quan, nhất là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, ảnh hưởng đến chất lượng phát triển thị trường nói chung, làm giảm rất nhiều tính nhân văn của bảo hiểm.

Do đó, việc làm “đau đầu” các cơ quan quản lý hiện tại là cần chấn chỉnh lại thị trường bảo hiểm nhân thọ ra khỏi “cuộc khủng hoảng về niềm tin”. Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết đã yêu cầu các ngân hàng tự chấn chỉnh và rà soát nghiệp vụ của mình như cách quản lý và đào tạo quản lý các đại lý. Kể cả các doanh nghiệp đang làm khá tốt cũng cũng phải rà soát lại để làm sao ngày càng tốt hơn.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế xã hội và ngân sách sáng nay, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nêu những bất cập và cho rằng ngành bảo hiểm nhân thọ cần được thanh tra toàn diện.

“Bộ Tài chính cần thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào bảo hiểm liên kết đầu tư. Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không dấu hiệu tội lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có thì đề nghị khởi tố điều tra”, bà Thủy phát biểu.

Theo investing.com

Quang Anh
Bạn muốn bình luận?

Leave a reply

Bảo hiểm 24G
Logo
Enable registration in settings - general
Shopping cart