Bảo hiểm xây dựng (Construction Insurance) là gì?

Bảo hiểm xây dựng (tiếng Anh: Construction Insurance) là bảo hiểm những thiệt hại phát sinh từ một rủi ro bất ngờ hoặc từ trách nhiệm đối với người thứ ba trong việc xây dựng một công trình có sử dụng đến bê tông và xi măng.

Bảo hiểm xây dựng

Khái niệm

Bảo hiểm xây dựng trong tiếng Anh là Construction Insurance.

Bảo hiểm xây dựng là bảo hiểm những thiệt hại phát sinh từ một rủi ro bất ngờ hoặc từ trách nhiệm đối với người thứ ba trong việc xây dựng một công trình có sử dụng đến bê tông và xi măng.

Mục đích của bảo hiểm xây dựng là bù đắp về tài chính cho chủ đầu tư hay chủ thầu để sửa chữa những thiệt hại bất ngờ xảy ra trong khi xây dựng một công trình. Đây là thiệt hại xảy ra cho chính bản thân công trình, cho các thiết bị và có thể là các dụng cụ của công trường hoặc bồi thường thiệt hại gây ra cho người khác (trách nhiệm dân sự).

Đối tượng bảo hiểm trong bảo hiểm xây dựng

Đối tượng bảo hiểm trong bảo hiểm xây dựng bao gồm tất cả các công trình dân dụng, công trình công nghiệp, … Nói chung là các công trình có sử dụng xi măng và bê tông.

Cụ thể đối tượng bảo hiểm xây dựng là:

– Tất cả các công trình xây dựng công nghiệp như: nhà máy, xí nghiệp, kho hàng, đơn vị sản xuất hoặc tổng thể xây dựng

– Các công trình lớn về dân sự như: đường sá (đường bộ, đường sắt), sân bay, cầu cống, đê đập, công trình cấp thoát nước, kênh đào, cảng…

– Các bất động sản lớn dùng cho thương mại, công trình công cộng hoặc để ở như: nhà ở, trường học, bệnh viện, trụ sở làm việc, nhà hát, rạp chiếu phim, các công trình văn hóa khác…

Mỗi công trình đều có nhiều hạng mục khác nhau và các hạng mục của công trình đều có thể là đối tượng của bảo hiểm. Các hạng mục chủ yếu được bảo hiểm gồm: 

a. Công tác thi công xây dựng

b. Các trang thiết bị xây dựng

c. Máy móc xây dựng

d. Tài sản có sẵn và xung quanh khu vực công trường

e. Chi phí dọn dẹp sau tổn thất

f. Trách nhiệm đối với người tứ ba

Những rủi ro được bảo hiểm

– Hỏa hoạn và tổn thất do tiến hành các biện pháp chữa cháy

– Công trình xây dựng bị sập

– Các vụ nổ gây thiệt hại ống hơi, nồi hơi, cũng như các thiết bị khác

– Các thiệt hại do nước gây ra

– Trộm cắp

– Vỡ máy: là những máy móc có liên quan tới công việc thi công trong xây dựng

– Thiếu kinh nghiệm, sơ suất, hành động ác ý hay cố tình nhầm lẫn nhưng không phải do người được bảo hiểm hay đại diện của họ gây ra

– Các thiệt hại do thiên tai như giông bão, đất trượt, động đất, sóng thần, mưa gió, sét đánh…

– Rủi ro trong vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng hay máy móc

– Trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba về các thiệt hại không thể tránh khỏi trong thi công công trình

– Những hậu quả về tài chính của những thiệt hại về bảo hiểm gây ra

– Các thiệt hại mà công trình phải chịu, ví dụ như công trình sập do cần cẩu bị lật đổ.

Những lưu ý quan trọng trong bảo hiểm xây dựng

1. Số tiền bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng tối thiểu

Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 50/2022/TT-BTC quy định số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng là giá trị đầy đủ của công trình khi hoàn thành, bao gồm toàn bộ vật liệu, chi phí nhân công, thiết bị lắp đặt vào công trình, cước phí vận chuyển, các loại thuế, phí khác và các hạng mục khác do chủ đầu tư hoặc nhà thầu cung cấp.

Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với công trình trong thời gian xây dựng không được thấp hơn tổng giá trị hợp đồng xây dựng, kể cả giá trị điều chỉnh, bổ sung (nếu có).

2. Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng

Điều 8 Thông tư số 50/2022/TT-BTC quy định: Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất của công trình trong thời gian xây dựng phát sinh từ mọi rủi ro, trừ các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm sau:

– Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chung theo quy định.

– Tổn thất phát sinh do lỗi thiết kế của nhà thầu tư vấn đối với công trình xây dựng.

– Tổn thất do hiện tượng ăn mòn, mài mòn, oxy hóa.

– Tổn thất do hiện tượng mục rữa và diễn ra trong điều kiện áp suất, nhiệt độ bình thường.

– Tổn thất do hiện tượng kết tạo vẩy cứng như han gỉ, đóng cặn hoặc các hiện tượng tương tự khác.

– Chi phí sửa chữa, thay thế, chỉnh sửa khuyết tật của nguyên vật liệu hoặc lỗi tay nghề. Loại trừ này chỉ áp dụng đối với tổn thất của các hạng mục bị ảnh hưởng trực tiếp, không áp dụng đối với tổn thất của các hạng mục khác là hậu quả gián tiếp do khuyết tật của nguyên vật liệu hoặc lỗi tay nghề.

– Tổn thất hay thiệt hại chỉ phát hiện được vào thời điểm kiểm kê.

3. Thời hạn bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng

Thời hạn bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 119/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:

– Đối với công trình xây dựng được bảo hiểm có giá trị dưới một nghìn (1.000) tỷ đồng, không bao gồm phần công việc lắp đặt hoặc có bao gồm phần công việc lắp đặt nhưng chi phí thực hiện phần công việc lắp đặt thấp hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng giá trị hạng mục công trình xây dựng được bảo hiểm:

    + Thời hạn bảo hiểm được ghi trong hợp đồng bảo hiểm, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư (bao gồm cả điều chỉnh, bổ sung nếu có).

    + Thời hạn bảo hiểm đối với những bộ phận, hạng mục công trình đã được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng sẽ chấm dứt kể từ thời điểm các bộ phận, hạng mục đó được bàn giao hoặc được đưa vào sử dụng.

– Đối với công trình xây dựng được bảo hiểm có giá trị dưới một nghìn (1.000) tỷ đồng, có bao gồm công việc lắp đặt và chi phí thực hiện phần công việc lắp đặt chiếm từ năm mươi phần trăm (50%) trở lên tổng giá trị hạng mục công trình xây dựng được bảo hiểm:

    + Thời hạn bảo hiểm được ghi trong hợp đồng bảo hiểm, tính từ ngày bắt đầu thời gian xây dựng căn cứ vào văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư (bao gồm cả điều chỉnh, bổ sung (nếu có) cho tới khi bàn giao công trình hoặc sau khi hoàn tất lần chạy thử có tải đầu tiên, tùy theo thời điểm nào đến trước, nhưng không quá hai mươi tám (28) ngày kể từ ngày bắt đầu chạy thử.

    + Thời hạn bảo hiểm đối với các thiết bị đã qua sử dụng lắp đặt vào công trình sẽ chấm dứt kể từ thời điểm các thiết bị đó bắt đầu được chạy thử.

4. Trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng

Điều 11 Thông tư số 50/2022/TT-BTC quy định chủ đầu tư hoặc nhà thầu (trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng) phải mua bảo hiểm cho toàn bộ công trình hoặc cho từng hạng mục của công trình trong thời gian xây dựng. Các trường hợp cụ thể như sau:

– Trường hợp mua bảo hiểm cho toàn bộ công trình trong thời gian xây dựng, chủ đầu tư hoặc nhà thầu (trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng) phải mua bảo hiểm với số tiền bảo hiểm tối thiểu.

– Trường hợp mua bảo hiểm theo từng hạng mục công trình trong thời gian xây dựng, chủ đầu tư hoặc nhà thầu (trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng) phải mua bảo hiểm với số tiền bảo hiểm của từng hạng mục công trình không thấp hơn giá trị đầy đủ của hạng mục công trình đó khi hoàn thành và tổng số tiền bảo hiểm của các hạng mục công trình trong thời gian xây dựng không thấp hơn số tiền bảo hiểm tối thiểu.

5. Hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng

Điều 13 Thông tư số 50/2022/TT-BTC quy định: Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, các cơ quan, tổ chức có liên quan thu thập các tài liệu có liên quan để lập hồ sơ bồi thường.

Hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng bao gồm các tài liệu sau:

– Văn bản yêu cầu bồi thường của bên mua bảo hiểm.

– Tài liệu liên quan đến đối tượng bảo hiểm, bao gồm: Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm.

– Tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản, bao gồm:

   + Hồ sơ sự cố công trình xây dựng (bản sao công chứng hoặc bản sao có xác nhận của bên lập hồ sơ) theo quy định.

   + Hóa đơn, chứng từ hợp lệ trong trường hợp sửa chữa, thay mới tài sản.

– Các giấy tờ chứng minh chi phí cần thiết và hợp lý mà bên mua bảo hiểm đã chi ra để hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất hoặc để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

– Biên bản giám định nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền lập.

– Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình bảo hiểm trong kinh doanh, NXB Lao động – Xã hội, TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT)

Quang Anh
Bảo hiểm 24G
Logo
Enable registration in settings - general
Shopping cart